"Nguyên nhân dẫn đến tính trạng máy lạnh không lạnh có thể do hai vấn đề: tốc độ quay của lốc không đủ do chế cháo (đối với xe cũ hay bị), thợ có thể đã chế loại lốc không đúng hoặc pu-ly quá to, để loại trừ thì cũng đơn giản, đỗ xe tại chỗ, ga lớn động cơ lên tầm 1500~1800 v/f, khi chạy xe tua máy cũng chỉ loanh quanh tầm này, nếu thấy lạnh tốt thì roc rang tại lốc. Nhưng theo phán đoán của tôi thì nguyên nhân đáng ngờ nhất là khả năng giải nhiệt của giàn nóng (giàn ngưng), có nhiều nguyên nhân làm suy giảm khả năng giải nhiệt trong đó có nguyên nhân thường gặp nhất là chế sai quạt, đấu nhầm dây dẫn đến quạt quay ngược, hoặc quay không đủ tốc độ." - anh Phong chia sẻ
"Tôi cũng thấy hầu hết trường hợp "nhanh thì mát, chậm thì nóng" nguyên nhân nằm ở cái quạt gió tản nhiệt giàn nóng. Chạy nhanh gió tự nhiên nó làm mát giàn nóng rồi nên quạt có chạy hay không vẫn mát lạnh, chạy chậm quạt tèo hoặc yếu không tản được nhiệt giàn nóng nên mất lạnh. Khi mất lạnh mà nó kêu è è tè tè nữa thì đích thị là quạt tèo hẳn." - anh Minh Vũ góp ý
Để tìm hiểu về vấn đề máy lạnh ô tô không lạnh, hay tham khảo thêm: "Các bước kiểm tra và cách khắc phục khi hệ thống điều hòa khi gặp sự cố" được trích từ danh gia xe.
Hệ thống máy lạnh, điều hòa giúp lưu thông và giúp tối ưu nhiệt độ cho luồng không khí trong xe, vì thế chúng ta không cảm thấy ngột ngạt khi ở trong một không gian kín như vậy, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng bức và nhiều bụi bặm như Việt Nam. Hệ thống điều hòa, máy lạnh xe hơi không lạnh hoặc ngừng hoạt động là một phiền phức không nhỏ. Vậy tại sao chúng ta không tìm hiểu những nguyên nhân làm cho hệ thống này ngừng làm lạnh và tìm cách khắc phục?
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu nguyên lý hoạt động của nó:
Nguyên lý hoạt động có thể tóm gọn thành các bước như sau: máy nén được nối với động cơ thông qua dây cua-roa, hút chất làm lạnh ở thể khí (từ bình chứa gas) rồi nén ở áp suất cao. Khi bị nén, nhiệt độ chất làm lạnh tăng lên và nó được đẩy sang giàn nóng, nằm ở vị trí phía đầu xe, gần lưới tản nhiệt và có quạt riêng. Ở giàn nóng, do được tản nhiệt ở áp suất cao nên chất làm lạnh hóa thành thể lỏng và chuyển sang van giãn nở (hoặc van tiết lưu).
Tiếp theo, tại van tiết lưu, áp suất giảm đột ngột nên chất làm lạnh hóa hơi và chuyển tới giàn lạnh. Ở đây, nó lấy nhiệt từ môi trường xung quanh và khiến nhiệt độ giảm xuống. Hơi lạnh sẽ được quạt gió thổi ra môi trường. Gió thổi ta từ giàn lạnh có thể là gió ngoài (làm lạnh ngoài), gió trong ca-bin hoặc cả hai.
Hệ thống điều hòa trên những xe hơi hiện đại thời nay thường tự động hóa cao và được tích hợp nhiều chức năng điều khiển. Tuy nhiên vẫn có sự cố xảy ra với hệ thống này. Vậy thủ phạm của vấn đề này nằm ở đâu?
Nếu hệ thống điều hòa ngừng làm lạnh sẽ có 2 nguyên nhân thường gặp:
1/ Hệ thống thiếu gas.
2/ Hệ thống gặp sự cố trong máy nén.
Thiếu gas là trường hợp thường gặp hơn. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn gặp sự cố với máy nén của hệ thống này.
Làm thế nào để kiểm tra?
Nếu có dấu hiệu bất thường bạn có thể kiểm tra nhanh bằng cách sờ vào ống dẫn ga, thấy ấm ở đường cao áp và mát ở đường thấp áp là được. Các nhà sản xuất quy định ống cao áp có đường kính nhỏ hơn ống thấp áp. Nếu nhiệt độ giữa hai ống này không chênh nhau nhiều thì rất có thể điều hòa của bạn gặp trục trặc.
Trường hợp thứ hai là do dây cua-roa nối động cơ với máy nén bị chùng, dẫn đến thất thoát công và máy nén không thể nén chất làm lạnh đến áp suất cần thiết. Bạn có thể mở nắp ca-pô xe và kiểm tra hệ thống nén khí của máy lạnh như hình trên. Phần cuối của hệ thống này là dây cu-roa, chúng ta có thể xem thử nó có chạy với tốc độ cao hay chậm hơn so với bình thường, phần này yêu cầu bạn phải kiểm tra thường xuyên để có thể nhận biết sự khác biệt.
Bên cạnh đó, còn có những lý do như dàn lạnh quá bẩn khiến dòng gió bị cản, tản nhiệt ra xung quanh khiến hiệu quả làm lạnh giảm. Bạn có thể kiểm tra tốc độ gió thổi mạnh hay yếu; nếu dây cao áp và dây thấp áp vẫn bình thường thì có thể kết luật cần phải làm sạch giàn lạnh. Để đo hiệu quả làm lạnh, bạn để động cơ ở vòng tua 1.500 vòng/phút, đặt máy lạnh ở mức cao nhất. Sau 5 phút, bạn có thể đo nhiệt độ ca-bin và nhiệt độ gió thổi ra từ giàn lạnh. Nếu nhiệt độ ở mức cao, bạn nên kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điều hòa.
Vấn đề mà những người đi xe gặp phải nữa là điều hòa không có gió mát. Hiện tượng này bắt nguồn từ các nguyên nhân như: Dây cua-roa nối động cơ với máy nén bị đứt; khớp ly hợp máy nén gặp vấn đề nên khi bật công tắc, máy nén không nhận được năng lượng từ động cơ; van giãn nở trục trặc; sự cố với mạch điện hay do đường dẫn hở khiến khí mát thất thoát hết, không làm lạnh được. Nơi chất làm lạnh thoát ra thường có bụi bám nhiều nên bạn có thể phát hiện một cách khá dễ dàng.
Làm thế nào để giải quyết những rắc rối này?
Nếu bạn không có những thiết bị cần thiết để sửa chữa hoặc không tự tin về tay nghề của mình. Lời khuyên tốt nhất của tôi là bạn nên mang xe đến một trung tâm bảo trì xe hoặc garage chuyên nghiệp. Tuy nhiên bạn vẫn có thể kiểm tra lỗi trước ở nhà để đảm bảo không bị qua mặt ở các trung tâm bảo trì.
Trường hợp máy nén chạy quá chậm hoặc không chạy, bạn có thể sửa chữa ở các trung tâm bảo hành hoặc thay mới. Trường hợp máy nén đã thay mới mà hệ thống lạnh vẫn không đảm bảo thì có lẽ đã đến lúc bạn nạp thêm gas hoặc vệ sinh lại hệ thống.
Để giữ cho tuổi thọ của máy lạnh xe hơi cao hơn cũng như đảm bảo an toàn cho súc khoẻ, bạn cũng cần biết cách sử dụng máy lạnh xe hơi một cách hợp lý, khoa học.
Cách sử dụng điều hòa hợp lý
Sử dụng điều hòa hợp lý và đúng chế độ không những giúp bạn đảm bảo sức khỏe, kéo dài tuổi thọ các thành phần điện mà còn tiết kiệm xăng đáng kể.
Bật tắt công tắc A/C hợp lý
Khi bạn bật công tắc A/C, hệ thống làm lạnh sẽ lập tức hoạt động. Tuy nhiên, hãy nhớ chỉ bật công tắc trên sau khi đã khởi động máy và tắt đi trước khi ngắt động cơ. Thêm vào đó, đừng bật chế độ làm lạnh cao ngay khi xe vừa di chuyển vì làm như vậy, xe phải chịu tải lớn hơn và gây hư hại bình điện. Hơn nữa, cần đảm bảo các cửa kính đã được đóng kín để tránh lãng phí hơi lạnh ra bên ngoài và tiêu tốn nhiên liệu.
Chọn chế độ tùy thuộc vào môi trường bên ngoài
Bạn nên sử dụng điều hòa tuần hoàn (gió trong) khi di chuyển trong thành phố, nhất là tại Việt Nam vì môi trường có nhiều khói bụi. Nếu sử dụng chế độ điều hòa tự nhiên (gió ngoài), màng lọc và dàn lạnh phía đầu xe sẽ hút bụi bẩn hoặc thậm chí cả xác côn trùng, từ đó gây ảnh hưởng đến lượng nhiệt lạnh sinh ra trong cabin.
Chọn chế độ điều hòa phù hợp với môi trường bên ngoài.
Tại Việt Nam, khi đi đường dài, bạn nên sử dụng thêm gió ngoài để giúp người ngồi trong xe thoải mái và dễ thở hơn.
Ngoài ra, khi di chuyển xe trong điều kiện trời mưa, bạn nên sử dụng gió trong để tránh tình trạng không khí ẩm lọt vào và gây đọng nước trong cabin. Nếu thấy hiện tượng kính bị mờ làm giảm tầm nhìn, lập tức bật A/C chế độ sấy kính. Nếu đi qua vùng ngập hay vũng nước, hãy tắt hệ thống điều hòa đồng thời hạ kính để tránh tình trạng quạt điều hòa bị kẹt bởi rác bẩn và gây hiện tượng cháy cầu trì. Hơn nữa, bụi bẩn sẽ bít nghẽn lưới lọc và van tiết lưu, từ đó tạo chất phản ứng sản sinh axít gây mài mòn.
Một số chú ý:
Nếu xe gặp phải hiện tượng mờ kính hoặc đọng sương trên xe, có thể là do điều kiện khí hậu ẩm ướt hoặc khi xe bật chế độ sưởi. Hiện tượng này không phải do trục trặc của xe hay hệ thống điều hòa mà là do không khí ẩm bị làm lạnh đột ngột. Tài xế có thể mở cửa xe, bật điều hòa để lấy gió từ bên ngoài vào, giảm bớt độ ẩm trog xe. Trong thời tiết mùa đông, tài xế nên chuyển sang chế độ thổi gió và sấy kính hướng xuống sàn xe.
Khi các kính cửa sổ bị mờ hơi nước trong điều kiện hời tiết lạnh hoặc có mưa, tài xế nên bật điều hòa để làm khô không khí. Chú ý không chỉnh cửa gió ra xoay ra phía kính cửa sổ và không nên sử dụng chế độ tuần hoàn gió trong.
Khi có nước chảy ra từ ống thoát nước điều hòa phía dưới gầm xe: đây là một hiện tượng bình thường khi điều hòa hoạt động nên các tài xế đừng lo lắng.
Mùi điều hòa khó chịu, đó là do không sử dụng xe trong một vài ngày hoặc trong những ngày thời tiết nắng nóng. Trước khi dùng xe nên nổ máy bật điều hòa, quạt gió ở tốc độ cao nhất, hạ tất cả các kính cửa khoảng 3 phút. Sau đó tài xế có thể yên tâm lên xe và chuyển điều hòa về chế độ thường sử dụng.
Cuối cùng, nếu chỗ để xe qua đêm hơi ẩm thấp hoặc có nhiều côn trùng, tài xế nên gạt điều hòa về chế độ lấy gió trong, như thế côn trùng không thể chui vào bên trong xe, chết, gây mùi hoặc gây hỏng hóc bên trong xe được.
(Nguồn Muabannhanhoto)