Sau 60 giờ nhận đặt cọc sớm xe điện VF 3, hãng xe Việt VinFast ghi nhận 27.000 khách đặt mua, toàn bộ là cọc không hoàn/hủy, không chuyển nhượng. Sức hút của xe VF 3 đã tạo nên hiện tượng chưa từng có trên thị trường ô tô Việt, bởi trước đó, mẫu xe bán chạy Xpander Mitsubishi cũng chỉ đạt doanh số 20.000 chiếc trong cả năm 2023.

Sức ép lớn lên nhiều hãng xe

Thị trường ô tô giá rẻ hiện nay được đánh giá là khá "chật chội" bởi hầu như hãng xe nào cũng góp mặt một số mẫu để thu hút khách hàng, tăng sự hiện diện và năng lực cạnh tranh. Vì vậy, khi đối thủ mới xuất hiện, thị trường sẽ nhanh chóng xáo trộn.

Theo ghi nhận, nhiều mẫu xe giá rẻ hạng A với mức giá trên dưới 350 triệu đồng/chiếc đang được người tiêu dùng quan tâm như Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Wigo... Với nội thất rộng rãi hơn, các mẫu sedan hạng B như Mitsubishi Attrage, Kia Soluto có giá rẻ nhất phân khúc và đang chia nhau thị phần khách hàng lần đầu mua xe hoặc kinh doanh dịch vụ. 

Trong khi đó, phân khúc hạng C có mẫu MG5 của hãng MG với giá chỉ khoảng 360 triệu đồng/chiếc - dễ thuyết phục khách hàng "xuống tiền". Chưa kể, các mẫu xe đa dụng 7 chỗ như Suzuki Ertiga, Hyundai Stargazer... cũng chỉ có giá hơn 400 triệu đồng/chiếc.

Ông Đào Khai Ngọc, chủ một đại lý ô tô ở TP Thủ Đức (TP HCM), đánh giá sức hấp dẫn của xe điện VinFast VF 3 đến từ mức giá rẻ, chỉ 235 triệu đồng/chiếc (không đi kèm pin) hoặc 315 triệu đồng/chiếc (có pin). Sự xuất hiện của VF 3 buộc một số hãng xe phải xây dựng chiến lược ứng phó nhằm giữ thị phần. 

Trước mắt, các hãng Kia, Mitsubishi, MG... đã rục rịch tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng, chẳng hạn giảm giá bán, miễn - giảm lệ phí trước bạ. "Về lâu dài, khi ra mắt thị trường mẫu xe mới, các hãng sẽ đều phải nâng cấp đáng kể về công nghệ, trang bị thêm nhiều tính năng để giữ chân khách hàng" - ông Ngọc dự đoán.

Các đại lý kinh doanh ô tô cũng bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của xe điện mini VF 3. Ông Võ Thanh Tuấn, chủ cửa hàng ô tô cũ ở huyện Bình Chánh (TP HCM), cho biết giá xe cũ hiện nay phổ biến tầm 200-300 triệu đồng/chiếc với rất nhiều lựa chọn. 

Đa phần khách hàng mua ô tô lần đầu thường chọn xe cũ giá rẻ để chạy "dợt" mà không lo ngại bị trầy xước nếu lỡ xảy ra va chạm, đến khi vững tay lái mới đổi sang xe mới. "Cùng mức giá này, khách có thể mua luôn một chiếc xe mới như VF 3 thì họ không ngần ngại lựa chọn" - ông Tuấn lo lắng.

Bản sao 10 img 0282 1 1716643189918541563362.jpg
Các hãng ô tô có mẫu xe cỡ nhỏ phải đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để giữ thị phần

Thị trường có dễ thay đổi?

Dẫu xe VF 3 chưa giảm sức nóng song giới kinh doanh ô tô vẫn dè dặt khi đánh giá về ảnh hưởng lâu dài của mẫu xe này đến bức tranh toàn thị trường.

Ông Võ Thanh Tuấn nhìn nhận kích cỡ mẫu xe điện mini của VinFast có phần chật hẹp nên chỉ phù hợp sử dụng vào mục đích cá nhân, chưa đáp ứng được nhu cầu của phần lớn khách hàng - bao gồm cả khách hàng mua để kinh doanh. 

"Chiếc ô tô điện Wuling Hongguang Mini EV của Trung Quốc đã mở bán khoảng 1 năm trước nhưng sức tiêu thụ vẫn khá ì ạch, dù giá chỉ 200 triệu đồng/chiếc (có pin), rẻ hơn VF 3 khoảng 100 triệu đồng/chiếc" - ông Tuấn so sánh.

Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, Tổng Giám đốc Chợ Tốt, chỉ phân khúc khách hàng cá nhân mới bị "dao động" khi quyết định mua xe bởi có thêm sự lựa chọn đáng quan tâm là VF 3. Còn nhóm khách hàng mua xe giá rẻ để chạy dịch vụ thì cân nhắc vì VF có một vài điểm trừ...

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống Ô tô Hiền (TP HCM), cho rằng: "Giá mua xe ban đầu có thể coi là rẻ nhưng cần tính thêm chi phí thuê pin tốn cả triệu đồng mỗi tháng. Ngay cả chiếc Toyota Wigo cũng vẫn bị nhiều khách hàng chê vì nhỏ, yếu. Với tầm giá 300-400 triệu đồng, có rất nhiều mẫu xe xăng kích thước rộng rãi, động cơ mạnh". 

(Nguồn https://vietnamnet.vn/thi-truong-o-to-gia-re-xao-tron-2284583.html)